Với sự phát triển của bất động sản Việt Nam như hiện nay, rất nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài có tiếng tăm muốn đầu tư vào thị trường nước ta.
Trong 8 tháng đầu năm, kinh doanh bất động sản đã thu hút đến 5,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 24,2% và đây là con số kỉ lục về vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản trong nhiều năm qua.
Thực tế, các công ty nước ngoài đã đổ vốn vào Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng không mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Việt Nam đang là nước có nền kinh tế mở lên đến 200% và các hiệp ước, quy định về hội nhập cũng tạo điều kiện thuận lợi để các nước khác đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, do căng thẳng kinh tế giữa châu Âu với Trung Quốc dẫn đến Việt Nam là nơi lý tưởng để đổ nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn đó đang tăng mạnh trong thời gian này.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng 90 dự án và kế hoạch chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, công nghiệp… Để thúc đẩy dòng vốn nước ngoài này, Chính phủ đã ra quyết định nâng cấp hạ tầng giao thông, phê duyệt các dự án trọng điểm để có thể thu hút hơn vốn đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo thị trường M&A của Savills Việt Nam, hoạt động M&A xuyên biên giới tăng mạnh, chỉ trong vòng 6 tháng, nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã đạt đến con số 4.971 tỉ USD. Trong đó, thị trường bất động sản ngoài khu vực Hà Nội là chủ yếu. Điển hình là tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi mua 75% vốn cổ phần của Công ty bất động sản An Phú Khang, với giá khoảng 18 triệu USD, Công ty CP Frasers Property đã mua 75% cổ phần Công ty Địa ốc Phú An Điền, với giá khoảng 34,3 triệu/ USD.
Tình hình trên đã thu hút sự chú ý của công ty bất động sản Alpha Kinh đến từ Hong Kong, công ty này đã âm thầm sở hữu cho mình những dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Tập đoàn Nam Long – một trong những tập đoàn lớn nhất trong lĩnh vực bất động sản cũng đã hợp tác với tập đoàn Hankyu Hanshin Properties và Nishi Nippon Railroad đến từ Nhật Bản, để cùng nhau phát triển dự án Akari City với quy mô 8,8 ha tại quận Bình Tân.
“Vốn nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản là tín hiệu tốt, nhưng các cơ quan quản lý cũng cần giám sát, kiểm tra để nó chảy đúng hướng, đạt hiệu quả” – đây là lời khuyên của TS. Đinh Thế Hiển trước tình hình nguồn vốn ngoại ồ ạt đổ vào Việt Nam. Nhưng không thể phủ nhận lợi ích to lớn mà vốn nước ngoài mang lại cho nền kinh tế Việt, khi mà vốn tín dụng từ ngân hàng đã cạn kiệt, không còn như trước.
Thu hút được nhiều nguồn vốn nước ngoài nhưng nhiều dự án bất động sản vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn do nợ xấu. Chính phủ cũng đã triển khai Nghị quyết 42 để giải quyết vấn đề này, sau 1 năm triển khai, đã có nhiều tín hiệu tích cực, nhiều dự án đã có sức sống trở lại, thị trường M&A sôi động hơn hẳn.