You are here:

Xây nhà hát Giao hưởng 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm: Chủ tịch UBND TP.HCM nói gì?

Trước những lo ngại của dư luận xoay quanh quyết định xây nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Thủ Thiêm – Quận 2, trong khi Thành phố còn rất nhiều vấn đề dân sinh, xã hội chưa được giải quyết. Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM đã chính thức lên tiếng.

Theo đó, vào ngày 11/10, bên lề hội thảo Quản lý đô thị trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM – Nguyễn Thành Phong, đã có những chia sẻ về vấn đề HĐND thông qua dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng hơn 1.500 tỷ tại Khu đô thị Thủ Thiêm.

Hội thảo khoa học chuyên đề “Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM: thực trạng, vấn đề và giải pháp”
Hội thảo khoa học chuyên đề “Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM: thực trạng, vấn đề và giải pháp”

Ông Phong cho biết, trong kỳ họp HĐND TP.HCM vừa qua chủ yếu bàn về các cơ chế đặc thù theo Nghị định 54 của Quốc hội và dự án Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đã được thông qua trong các dự án nhóm A.

“Đối với những dự án đầu tư nhóm A trên 1.000 tỷ như công trình nhà hát trên đáng lý ra phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Nghị quyết 54 đã giao quyền này cho HĐND Thành phố. Thực tế thì dự án này đã được Thủ tướng đồng ý từ các nhiệm kỳ trước, chứ không phải đến bây giờ mới đưa ra tại kỳ họp thứ 10 vừa qua…”. Ông Phong nói.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM
Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM

Trước nhiều luồng ý kiến cho rằng việc xây nhà hát bây giờ là không hợp lý, bởi trong khi trên địa bàn TP còn nhiều hệ thống giao thông chưa được đảm bảo, bệnh viện, trường học bị xuống cấp nghiêm trọng… Ông Phong cho rằng, đây là 2 việc làm hoàn khác nhau, vì trước đây TP đã tập trung đầu tư, phát triển rất nhiều vào hạ tầng, điện, đường, trường trạm… trong khi lĩnh vực văn hóa chưa được chú trọng đúng mức. Như vậy, về lâu dài giữa kinh tế và văn hóa sẽ có sự “lệch pha”.

Đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết, Thủ tướng vừa cho phép TP.HCM xây 3 bệnh viện tại các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Quận Thủ Đức với mức vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng từ ngân sách TP. Dự kiến các bệnh viện này sẽ được đưa vào sử dụng năm 2023, để giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành, với công suất 1.000 giường và hoàn chỉnh điều trị nội trú 500 giường bệnh.