You are here:

So sánh các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

12/07/2024
So sánh các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, các loại hình doanh nghiệp phổ biến bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, doanh nghiệp tư nhân và công ty cổ phần.Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến cách thức quản lý, khả năng huy động vốn, trách nhiệm pháp lý, cũng như mục tiêu phát triển trong tương lai.

Và ở bài viết này chúng ta hãy cùng so sánh các loại hình doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí như: tư cách pháp nhân; số lượng thành viên, cổ đông; trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản; khả năng huy động vốn. Hãy cùng theo dõi bài viết để có được những kiến thức bổ ích nhé!

Tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp

Tư cách pháp nhân là khả năng mà một tổ chức (như công ty hoặc tổ chức phi lợi nhuận) được công nhận có năng lực pháp lý để ký kết hợp đồng, sở hữu tài sản, và tham gia kiện tụng. 

Khi có tư cách pháp nhân, tổ chức được coi là thực thể độc lập, tách biệt về trách nhiệm pháp lý và tài chính so với cá nhân thành viên hay chủ sở hữu, giúp bảo vệ tài sản cá nhân của họ khỏi rủi ro từ hoạt động kinh doanh. Ở Việt Nam, công ty có tư cách pháp nhân từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giúp hoạt động hiệu quả trong môi trường kinh doanh và pháp lý.

Tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp

Tư cách pháp nhân của các loại hình doanh nghiệp

Các loại hình doanh nghiệp được công nhận tư cách pháp nhân thường bao gồm các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, và các hình thức tổ chức doanh nghiệp khác. Ngược lại, công ty tư nhân ở Việt Nam (và cũng tương tự ở một số quốc gia khác) không có tư cách pháp nhân vì: chủ sở hữu và doanh nghiệp không tách biệt, thiếu sự phân chia vốn góp,…

Số lượng thành viên, cổ đông

Số lượng thành viên và cổ đông của một công ty phụ thuộc vào hình thức pháp lý và quy mô của doanh nghiệp. Có loại hình sẽ có nhiều thành viên, nhưng cũng có một số loại hình doanh nghiệp chỉ có một hoặc vài thành viên tham gia góp vốn và quyết định các vấn đề.

Số lượng thành viên, cổ đông của các loại hình doanh nghiệp

Số lượng thành viên, cổ đông của các loại hình doanh nghiệp

Cụ thể như sau:

  • Công ty TNHH một thành viên chỉ có một chủ sở hữu duy nhất, có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức pháp nhân.
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên có số lượng thành viên của loại hình công ty này từ hai đến không quá 50 thành viên. 
  • Công ty cổ phần không có giới hạn về số lượng cổ đông tối thiểu hay tối đa. Cổ đông có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
  • Công ty hợp danh có it nhất là 2 thành viên hợp danh là cá nhân, có thể thêm thành viên góp vốn.
  • Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm không giới hạn với mọi nghĩa vụ của doanh nghiệp bằng tài sản cá nhân của mình.

Trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản

Trách nhiệm về khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của một doanh nghiệp nói lên mức độ cam kết pháp lý mà doanh nghiệp phải đối mặt trong việc thanh toán các khoản nợ và thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Các loại hình khác nhau có những quy định riêng biệt về trách nhiệm này.

Trách nhiệm về khoản nợ và nhiệm vụ tài sản

Trách nhiệm về khoản nợ và nhiệm vụ tài sản

Cụ thể như sau:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên: Mỗi thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn theo phần vốn đã góp vào công ty.
  • Công ty cổ phần: Cổ đông chịu trách nhiệm hữu hạn đến số tiền đã đóng góp mua cổ phần.
  • Công ty hợp danh: Hợp danh viên chịu trách nhiệm không giới hạn đối với các khoản nợ của công ty và thành viên góp vốn thì chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp.
  • Doanh nghiệp tư nhân:Chủ sở hữu chịu trách nhiệm không giới hạn cho mọi khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

>> Tham khảo thêm: Pháp lý doanh nghiệp là gì? Những vấn đề pháp lý thường gặp

Khả năng huy động vốn

Khả năng huy động vốn là năng lực của doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn tài chính từ bên ngoài để hỗ trợ hoạt động và phát triển của mình. Điều này có thể được thực hiện qua nhiều phương thức như phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vay ngân hàng, hay thu hút đầu tư từ nhà đầu tư. Chỉ vài doanh nghiệp được phép huy động vốn bằng chứng khoán.

Khả năng này cho thấy mức độ tin cậy và sức hấp dẫn của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, đồng thời giúp doanh nghiệp tăng trưởng và mở rộng hiệu quả hơn. 

Khả năng thu hồi vốn của từng loại hình doanh nghiệp

Khả năng thu hồi vốn của từng loại hình doanh nghiệp

Công ty cổ phần nổi bật với khả năng phát hành cổ phiếu và trái phiếu ra công chúng, cho phép họ thu hút một lượng lớn vốn từ đa dạng nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước. Đây là loại hình  duy nhất có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán, mở rộng tiềm năng huy động vốn đáng kể.

Ngược lại, công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân hạn chế trong việc huy động vốn bởi không được phép phát hành chứng khoán, và thường dựa vào vốn góp từ các thành viên hoặc chủ sở hữu. Công ty hợp danh cũng không thể huy động vốn từ công chúng và phụ thuộc vào các hợp danh viên và thành viên góp vốn. 

>> Xem thêm: Vốn điều lệ là gì? những quy định và lưu ý về vồn điều lệ

Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp là một hệ thống các quy định và quy tắc xác định cách các hoạt động kinh doanh được thực hiện, cũng như cách mà các quyền hạn và trách nhiệm được phân chia giữa các cá nhân và bộ phận trong doanh nghiệp. 

Cơ cấu tổ chức bao gồm các yếu tố như phân cấp quản lý, phân bổ nhiệm vụ, và trình tự ra quyết định, nhằm mục đích tối ưu hoá hiệu quả hoạt động và đạt được mục tiêu tổng thể của tổ chức.

Cơ cấu tổ chức của từng loại hình doanh nghiệp

Cơ cấu tổ chức của từng loại hình doanh nghiệp

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH một thành viên):

  • Chủ sở hữu: Một cá nhân hoặc một tổ chức pháp nhân duy nhất làm chủ sở hữu.
  • Đại diện theo pháp luật: Thường là chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền.
  • Ban giám đốc: Được chủ sở hữu bổ nhiệm, chịu trách nhiệm quản lý hàng ngày và thực thi các chính sách của công ty.

Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên (TNHH hai thành viên trở lên):

  • Thành viên: Công ty có từ 2 đến 50 thành viên.
  • Hội đồng thành viên: Cơ quan quản lý cao nhất, quyết định các vấn đề quan trọng của công ty.
  • Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: Được bổ nhiệm bởi hội đồng thành viên, chịu trách nhiệm điều hành hoạt động kinh doanh thường ngày.

Công ty cổ phần (CP):

  • Cổ đông: Số lượng không giới hạn, có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
  • Đại hội đồng cổ đông: Cơ quan cao nhất, quyết định các chính sách chủ chốt và bầu Hội đồng quản trị.
  • Hội đồng quản trị: Giám sát hoạt động của công ty và bổ nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
  • Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: Điều hành hoạt động hàng ngày và thực thi các quyết định của hội đồng quản trị.

Công ty hợp danh:

  • Hợp danh viên: Cá nhân chịu trách nhiệm không giới hạn về các khoản nợ của công ty.
  • Thành viên góp vốn: Cá nhân chịu trách nhiệm hữu hạn, không tham gia quản lý công ty.
  • Quản lý: Được thực hiện trực tiếp bởi các hợp danh viên, không có cấu trúc quản lý phức tạp.

Doanh nghiệp tư nhân:

  • Chủ sở hữu: Một cá nhân duy nhất sở hữu và quản lý doanh nghiệp.
  • Quản lý: Chủ sở hữu trực tiếp quản lý mọi hoạt động kinh doanh, không có cơ cấu tổ chức phức tạp.

Đâu là loại hình doanh nghiệp nào phổ biến nhất?

Đối với hiện trạng thực tế của nền kinh tế Việt Nam thì các loại hình doanh nghiệp sẽ có những mức độ ưu ái riêng biệt, từ đó mà sự phổ biến cũng khác nhau. Lựa chọn loại hình phù hợp là quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến cách thức quản lý, khả năng chịu đựng rủi ro, và cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhỏ có thể ưu tiên sự đơn giản và bảo vệ trách nhiệm cá nhân thông qua công ty TNHH, trong khi những doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô và huy động vốn rộng rãi có thể lựa chọn hình thức công ty cổ phần để tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường vốn.

Các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam có mức độ phổ biến khác nhau dựa trên đặc điểm, ưu điểm, nhược điểm và phù hợp với từng loại hình kinh doanh.

Dưới đây là bảng xếp hạng chi tiết hơn về mức độ phổ biến của từng loại hình doanh nghiệp dựa trên những tiêu chí như sự linh hoạt, khả năng bảo vệ tài sản cá nhân, và khả năng huy động vốn với thứ tự lần lượt là: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty trách cổ phẩn, công ty hợp danh và cuối cùng là công ty tư nhân.

Mức độ phổ biến của từng loại hình doanh nghiệp

Mức độ phổ biến của từng loại hình doanh nghiệp

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

  • Đây là loại hình doanh nghiệp rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là với các doanh nhân muốn có sự kiểm soát độc lập và toàn diện trong kinh doanh của mình.
  • Chủ sở hữu được bảo vệ khỏi các rủi ro tài chính cá nhân, chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã đầu tư vào công ty. 
  • Cấu trúc quản lý thường đơn giản, không yêu cầu tổ chức nhiều cấp bậc quản lý phức tạp.

Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên:

  • Cũng rất phổ biến, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả doanh nghiệp gia đình. Mỗi thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn cho số vốn góp của mình, giúp hạn chế rủi ro tài chính cá nhân.
  • Loại hình này thường có cấu trúc quản lý bao gồm hội đồng thành viên, giúp đảm bảo quyết định quản lý được thực hiện một cách dân chủ và có sự tham gia của tất cả thành viên.

Công ty cổ phần:

  • Rất phổ biến với các doanh nghiệp lớn và muốn mở rộng quy mô. Công ty cổ phần cho phép huy động vốn từ công chúng thông qua phát hành cổ phiếu, làm cho nó trở thành lựa chọn tốt cho các dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn.
  • Cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần phức tạp hơn nhiều, bao gồm đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị và ban điều hành, điều này đòi hỏi một hệ thống quản lý chặt chẽ và minh bạch.

Công ty hợp danh:

  • Ít phổ biến hơn các loại hình doanh nghiệp khác tại Việt Nam, bởi sự phức tạp trong cấu trúc quản lý và trách nhiệm không giới hạn của hợp danh viên. Tuy nhiên, nó vẫn có vai trò quan trọng trong một số ngành nghề đặc thù, nơi mà sự tin tưởng và mối quan hệ đối tác là rất quan trọng.
  • Bên cạnh đó, công ty hợp danh cũng mang lại rủi ro khá cao đối với thành viên góp vốn nếu công ty rơi vào tình trạng khó khăn. Vậy nên phải có những định hướng rõ ràng từ đầu để có sự lựa chọn hoàn hảo nhất tránh gây bí tắc về sau.

Doanh nghiệp tư nhân:

  • Phổ biến với các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ và cá nhân do sự đơn giản trong cấu trúc và dễ dàng trong việc thành lập và giải thể.
  • Chủ sở hữu chịu trách nhiệm không giới hạn với các khoản nợ và nghĩa vụ của doanh nghiệp, điều này có thể là rủi ro nhưng cũng dễ dàng trong việc điều hành.
  • Cùng với đó doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc mở rộng quy mô doanh nghiệp trong tương lai, đây có thể là bước cản nếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và cần bước ra khỏi cái kén của mình.

Phần kết

Việc so sánh các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam không chỉ giúp những người đang quan tâm đến việc thành lập doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lựa chọn của mình mà còn hỗ trợ cộng đồng kinh doanh trong việc đưa ra các quyết định thông minh, dựa trên hiểu biết sâu rộng về môi trường kinh doanh và pháp lý hiện hành.

Sau khi so sánh các loại hình công ty ở Việt Nam mà bạn vẫn còn bất cứ thắc mắc nào thì đừng ngần ngại tìm kiếm các Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhé !