You are here:

Những sai phạm khiến dân kế toán bị phạt nặng

17/04/2020

Nghề kế toán gắn liền với những con số, đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối, áp lực công việc lớn. Chưa kể vào cuối năm, thời điểm làm báo cáo tài chính, quyết toán, công việc dồn dập đòi hỏi độ chính xác càng cao và phải làm thêm giờ, tăng ca cho kịp tiến độ công việc. Vì thế, yêu cầu đối với một nhân viên kế toán là phải tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác. Tuy nhiên, khi làm việc đôi lúc không thể tránh khỏi sai sót và có những sai phạm khiến dân kế toán bị phạt nặng.

Vậy hành vi vi phạm nào khiến dân kế toán bị phạt, hãy cùng dịch vụ kế toán TinLaw tìm hiểu nhé!

Ngày 01/05/2018, Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập sẽ có hiệu lực. Trong đó, có nhiều chế tài xử phạt khá nặng mà dân kế toán cần lưu ý.

Ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính

Những hành vi giả mạo báo cáo tài chính hay thỏa thuận, ép buộc người khác làm việc này sẽ phải chịu mức phạt từ 40 – 50 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cũng chịu mức phạt tương tự.

Ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính chịu mức phạt từ 40 – 50 triệu đồng
Ép buộc người khác giả mạo BCTC chịu mức phạt từ 40 – 50 triệu đồng

Vi phạm quy định về tổ chức bộ máy kế toán

Sai phạm khiến dân kế toán bị phạt nặng kế tiếp, Một trong những chế tài nghiêm khắc được Nghị định 41/2018/NĐ-CP áp dụng cho những vi phạm quy định về tổ chức bộ máy kế toán. Theo đó, mức phạt từ 20 – 30 triệu đồng sẽ áp dụng với các trường hợp:

  • Bố trí người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ hoặc mua, bán tài sản, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn Nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  • Bố trí người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định;
  • Thuê người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định.

Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán

Bên cạnh những quy định về chế tài xử phạt đối với vi phạm báo cáo tài chính hay tổ chức bộ máy, Nghị định 41/2018/NĐ-CP còn đưa ra chế tài hết sức nghiêm khắc đối với vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ kế toán.

Mức phạt từ 40 – 50 triệu đồng sẽ áp dụng đối với những hành vi:

  • Cung cấp dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán;
  • Tiếp tục kinh doanh dịch vụ kế toán khi đã tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kế toán; bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán; bị chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

Hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong thời gian từ 03 tháng đến 06 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

Vi phạm về kinh doanh dịch vụ kế toán phạt từ 40 – 50 triệu đồng
Vi phạm về kinh doanh dịch vụ kế toán phạt từ 40 – 50 triệu đồng

Vi phạm quy định về kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán

Hành vi vi phạm quy định về kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán cũng được Chính phủ đưa ra những chế tài mang tính răn đe cao. Cụ thể, mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng sẽ được áp dụng với những hành vi sau:

  • Không cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán;
  • Không giải trình, hợp tác với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán.

Những hành vi này còn phải chịu thêm hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong thời gian từ 01 tháng đến 03 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

Vi phạm quy định về hồ sơ dự thi Chứng chỉ kế toán viên

Không chỉ chú trọng đến những vấn đề nhân sự, báo cáo tài chính, Chính phủ còn đưa ra những biện pháp nhằm đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kế toán. Hành vi sửa chữa, giả mạo, khai man về bằng cấp, chứng chỉ và các tài liệu khác trong hồ sơ để đủ điều kiện dự thi lấy Chứng chỉ kế toán viên sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng kèm theo biện pháp tịch thu tang vật.

Trên đây là 5 sai phạm khiến dân kế toán bị phạt nặng các bạn làm nghề này cần đặc biệt lưu ý. Với những chế tài nghiêm khắc được quy định tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP, chắc chắn sẽ khiến dân kế toán không thể “làm ngơ”.

TIN Holdings

TIN Holdings

Trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp SMEs với các giải pháp như: Pháp lý, Kế toán - Thuế, Nhân sự, Xây dựng hệ thống, Giải pháp văn phòng,... Hy vọng với những kiến thức trên sẽ giúp doanh nghiệp của bạn trở nên hiệu quả và ngày càng phát triển.