Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động vào khoảng 71,55%, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ là 1,85%, thấp hơn so với lao động nam (2017). Có thể thấy, nữ giới đang ngày càng chứng tỏ sự cân bằng về năng lực đối với nam giới, kể cả trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, do sự khác biệt về yếu tố sức khỏe, sinh lý và vai trò trong gia đình, pháp luật cũng đã đưa ra nhiều ưu đãi cho lao động nữ. Vậy doanh nghiệp cần biết quyền lợi và nghĩa vụ gì khi sử dụng lao động nữ?
Để trả lời câu hỏi “Sử dụng lao động nữ, doanh nghiệp có quyền lợi và nghĩa vụ gì?” hãy tham khảo bài viết dưới đây của công ty dịch vụ kế toán TinLaw nhé!
Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi sử dụng lao động nữ
Người sử dụng lao động cần chú ý một số nghĩa vụ khi sử dụng lao động nữ, bao gồm:
- Không sử dụng lao động nữ để làm các công việc theo danh mục quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013.
- Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
- Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ.
- Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc có lao động nữ.
- Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ.
- Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
- Cho phép lao động nữ mang thai có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
- Cho lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 06 tháng và bảo đảm việc làm cho lao động nữ sau khi hết thời gian hưởng chế độ thai sản.
Quyền lợi của doanh nghiệp sử dụng lao động nữ
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Thông tư 78/2014/TT-BTC thì, quyền lợi của doanh nghiệp khi sử dụng lao động nữ gồm:
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng từ 10 đến 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt thường xuyên hoặc sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ mà số lao động nữ chiếm trên 30% tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động nữ theo hướng dẫn tại tiết a điểm 2.9 Khoản 2 Điều 6 Thông tư này nếu hạch toán riêng được.
Ngoài ra, doanh nghiệp được trừ các khoản chi phí chi thêm cho lao động nữ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hiện Việt Nam đang nằm trong TOP 10 quốc gia thực hiện tốt Mục tiêu Phát triển bền vững số 05 của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Chính việc thực thi chính sách dành cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ là một yếu tố quan trọng khi doanh nghiệp tham gia hội nhập quốc tế.